Canh năm, ngoài trời vẫn đang rơi tuyết.
Trong phòng đốt long địa, khí ấm lan tỏa khiến không khí chẳng hề lạnh lẽo. Đại quân hôm nay xuất chinh, đám hạ nhân trong phủ cũng dậy sớm hơn thường nhật, trong sân đã lờ mờ vang lên tiếng bước chân nhẹ của bọn họ.
Tần Tranh cúi đầu, giúp Sở Thừa Tắc cài khóa vảy rồng trên giáp trận. Nàng còn ngái ngủ, đưa tay dụi mắt. Nàng chưa kịp chải chuốt, tóc dài buông xõa, chỉ khoác một chiếc đơn y màu sen nhạt, vạt áo hơi mở, thấp thoáng lộ ra dấu vết chồng chéo đỏ ửng trên xương quai xanh.
Sở Thừa Tắc cúi mắt, khẽ gọi một tiếng: “A Tranh.”
“Ừm?”
Tần Tranh vừa cài xong khóa, ngẩng đầu lên thì đột nhiên một nụ hôn nhẹ lướt qua môi nàng.
Chỉ là chạm rồi rời, Sở Thừa Tắc đưa tay vén một lọn tóc rơi trước trán nàng ra sau tai, dịu dàng bảo: “Nàng ngủ thêm một lát đi, chẳng phải lần đầu ta ra trận, không cần tiễn.”
Hắn lại hôn lên trán nàng: “An tâm đợi ta trở về.”
Vốn Tần Tranh không thấy luyến lưu gì mấy, nhưng bị hắn nói vậy, trong lòng lại bất giác dâng lên từng đợt không nỡ, vòng tay qua lớp giáp sắt, ôm lấy eo hắn đang rắn rỏi: “Được, thiếp sẽ trấn giữ vùng Giang Hoài thay chàng, chàng bình an trở về.”
Những ngày gần đây, hai người đều bận rộn, bao nỗi bịn rịn bị áp xuống bởi công vụ, nay phút chia ly bỗng dâng trào.
Sở Thừa Tắc dang tay ôm nàng thật chặt, nhắm mắt hít sâu mùi hương bên cổ nàng, khẽ nói: “A Tranh, đợi thiên hạ thái bình, sinh cho ta một đứa con, được không?”
Hắn từng cô độc sống qua một đời, kiếp này chỉ mong có thể trọn vẹn cùng nàng.
Tần Tranh nghiêng mặt áp lên giáp ngực hắn, thì thầm: “… Tối qua bảo chàng đừng dùng thuốc mà.”
Sở Thừa Tắc bật cười, giọng nói lại như một tiếng thở dài: “Ngốc tử.”
Cánh tay hắn ôm sau lưng nàng, như có ngàn cân sức nặng, muốn đem nàng dung nhập vào máu thịt mình.
Ngoài cửa, hạ nhân cất tiếng nhỏ nhẹ: “Điện hạ, Tống đại nhân và Lâm tướng quân đã chờ ngoài phủ, kính thỉnh ngài đến thao trường điểm quân, tế cờ!”
Tần Tranh vỗ nhẹ lưng hắn: “Đi đi, đừng lỡ giờ lành.”
Sở Thừa Tắc buông tay, cúi đầu nhìn nàng vài khắc, bỗng nhiên cúi xuống hôn nàng thật dữ dội. Nụ hôn thô bạo mà mãnh liệt, đến mức khiến đầu lưỡi Tần Tranh tê dại.
Nụ hôn đến bất ngờ, cũng kết thúc đột ngột.
Sở Thừa Tắc dùng đôi bàn tay thô ráp nâng lấy khuôn mặt trắng ngần nhỏ nhắn của nàng, cúi đầu, đưa ánh mắt ngang với nàng, khẽ nói: “Ta đi đây.”
Hắn xoay người sải bước ra ngoài.
Trời đã dần sáng, Tần Tranh đuổi theo vài bước, đứng tựa khung cửa, trông theo bóng lưng cao lớn của hắn dần khuất trong gió tuyết, đôi mắt nàng hoe đỏ.
Sở Thừa Tắc không hề ngoái đầu lại, chẳng rõ là vì sợ nàng lưu luyến, hay sợ bản thân mình không nỡ.
Bạch Lộ mang đến chiếc đại bào dày dặn khoác lên người Tần Tranh, khẽ nói: “Nương nương chớ để lạnh thân mình.”
Tần Tranh xoay người trở vào phòng: “Giúp ta chải đầu, ta muốn đến cổng Bắc tiễn quân.”
…
Vào giờ Thìn ba khắc, Tần Tranh cùng Tống Hạc Khanh và một số đại thần đã lên đến tường thành phía Bắc.
Trời âm u, gió tuyết cuồng nộ. Tuyết phủ trên quan đạo đã bị giẫm nát thành từng mảng lầy lội, đại quân bắc chinh theo quan đạo uốn lượn mà tiến, đội tiên phong đã không còn trông rõ bóng người, chỉ còn ngọn đại kỳ giương cao là còn thấy lờ mờ.
Sau khi tiễn đại quân xuất chinh, Tần Tranh cùng các đại thần quay lại tiếp tục bàn bạc việc chính sự tại vùng Giang Hoài và biên cương phương Nam.
Tuy thiên hạ chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng Đại Sở — chính quyền được kiến lập sau khi nước cũ diệt vong — nay đã hình thành cơ cấu sơ khai của Lục bộ.
Tống Hạc Khanh công lao hiển hách, lại được Tần Tranh và Sở Thừa Tắc trọng dụng, trong mắt các triều thần Đại Sở, địa vị của ông chẳng khác nào tể tướng.
Tần Giản tính tình cương trực, lại giỏi văn chương. Sau khi Tần Tranh tái lập Ngự sử đài, nàng giao toàn quyền điều hành nơi ấy cho hắn.
Người có thể đảm nhận chức vụ tại Ngự sử đài đều là những kẻ xương cứng, tính nóng như trâu, vì chức trách của họ là giám sát quan viên, chấn chỉnh kỷ cương. Nếu để kẻ khéo ăn nói, xu nịnh bốn phương đảm nhiệm thì chẳng khác nào làm phế đi cơ quan này.
Tần Giản là người không thể dung thứ điều sai trái, lại có Tần Tranh làm chỗ dựa. Các quan viên phía dưới ai nấy đều nơm nớp lo sợ, chăm chỉ hành sự, chỉ sợ để Tần Giản bắt được sơ hở mà viết bản tấu tham đầy chữ nghĩa dâng lên Tần Tranh.
Tần Tranh mới tiếp quản toàn bộ Giang Hoài và phương Nam, mỗi ngày đều phải duyệt công văn đến hoa mắt chóng mặt. Nhưng nàng nhanh chóng nhận ra các đại thần dưới trướng đều mẫn cán, mỗi việc được giao đều hoàn thành xuất sắc, khiến nàng phần nào hài lòng.
Ngay cả Tống Hạc Khanh cũng cảm thán, nói rằng những vị đại thần cùng điện hạ gầy dựng giang sơn này quả thực không giống người thường.
Chỉ có Tần Giản là ngày nào cũng mặt mày âm trầm, hệt như sắp theo dõi người ta ăn ngủ. Trước đây theo Tống Hạc Khanh làm việc chỉ là rèn luyện, nay nắm quyền Ngự sử đài, hắn quyết tâm muốn làm nên chút thành tích. Chỉ tiếc rằng quan viên khắp Giang Hoài đều tận tâm tận lực, không để hắn có cơ hội viết tấu tham ai.
Thế là hắn chỉ có thể càng thêm giám sát gắt gao. Các đại thần bị dòm ngó tới mức run sợ, chỉ còn cách dốc hết sức mình mà lo việc nước.
Tần Tranh hoàn toàn không hay biết, chính sự vùng Giang Hoài và phương Nam, vì cuộc “nội chiến thầm lặng” giữa Tần Giản và các đại thần, lại vượt xa mong đợi của nàng mà phát triển mạnh mẽ.
Chiến sự với người Bắc Nhung chưa biết kéo dài bao lâu. Hai năm Đại Sở nội loạn khiến dân tình lầm than. Tuy Trung bộ và Nam bộ đã yên ổn, nhưng muốn cung ứng cho chiến tuyến phía Bắc, nhất định phải khôi phục sức dân càng sớm càng tốt.
Tần Tranh đích thân dẫn người của Công Bộ trong giá rét xây dựng khẩn cấp đập Ngư Chủy, đồng thời ban bố chính sách mới ở các châu phủ ven sông: miễn giảm thuế má, thúc đẩy nông tang.
…
Bắc Đình
Lần này Sở Thừa Tắc bắc tiến, để An Nguyên Thanh, Đổng Thành ở lại trấn giữ Giang Hoài, còn hắn dẫn theo Vương Bưu, Triệu Khôi và các dũng tướng khác tiến quân ra tiền tuyến.
Liên Khâm Hầu nhận được tin, khi đại quân Sở Thừa Tắc đến Bắc Đình, đích thân ra tận cửa thành nghênh đón.
Tước vị Liên Khâm Hầu là do ông năm xưa dùng máu xương giành lấy nơi chiến trường, trong toàn Đại Sở, luận cầm quân đánh trận, ông xưng là đệ nhị, không ai dám tranh đệ nhất.
Về khoản nhìn người, Liên Khâm Hầu cũng tự nhận mình có đôi phần nhãn lực.
Tiền Sở trỗi dậy nhanh chóng ở vùng Giang Hoài, ngay từ khi Sở Thừa Tắc còn chưa chủ động tìm đến, Liên Khâm Hầu đã sớm lưu tâm đến thế lực mới nổi này.
Khi ấy, Sở Thừa Tắc chỉ mới chiếm giữ một thành ở Thanh Châu. Dù là Lý Tín hay Hoài Dương Vương, ai nấy đều tưởng có thể dễ dàng dập tắt đốm lửa nhỏ ấy. Nhưng không ai ngờ rằng, binh mã của Lý Tín liên tục bại dưới tay Sở Thừa Tắc, khiến tiền Sở, từ khe hở chật hẹp, vươn mình thành đại thụ che trời.
Những trận chiến lẫy lừng do Sở Thừa Tắc chỉ huy sớm đã truyền tụng khắp dân gian, Liên Khâm Hầu cũng nghe qua ít nhiều.
Thái tử năm xưa từng mang tiếng xấu xa, nay bỗng nhiên văn thao võ lược, dũng mãnh như Vũ Gia Đế – tổ tiên nhà Sở. Điều này khiến Liên Khâm Hầu từng sinh lòng hoài nghi.
Bắc Đình lâm nạn, huynh muội nhà họ Lâm lần lượt đến viện trợ. Sau khi chứng kiến võ nghệ phi phàm của Lâm Diêu, Liên Khâm Hầu cho rằng thành công nhanh chóng của Sở Thừa Tắc ở phương Nam phần nhiều nhờ vào vị tướng quân họ Lâm kia.
Từ xưa đến nay, bậc minh quân ắt có tướng giỏi dưới trướng. Điều đáng lo ngại là ngày nào đó công cao át chủ, khiến lòng quân chủ sinh nghi.
Liên Khâm Hầu quý trọng Lâm Diêu, từng âm thầm nhắc nhở vài câu. Nhưng không rõ là Lâm Diêu quá thật thà không hiểu, hay là hiểu mà không để tâm, khiến ông không dám nói thêm, sợ bị cho là ly gián hắn và Đại Sở.
Lần này đích thân ra ngoài thành nghênh đón, từ xa Liên Khâm Hầu đã trông thấy nam tử cao lớn cưỡi ngựa, mình khoác hắc giáp kỳ lân, trong lòng âm thầm cảm thán: quả là quân Sở dưới trướng Thái tử nhân tài lớp lớp. Lâm Diêu đã là nhân trung long phượng, vị tướng quân trẻ tuổi dẫn đầu đội ngũ kia càng có khí thế phi phàm.
Lũ hậu sinh này, thực sự khiến người ta phải kính sợ.
Khi đại quân tiến gần, ông đảo mắt dò xét toàn quân, không thấy xe ngựa đi cùng, ánh mắt bèn do dự trở lại người khoác giáp kỳ lân, đội kim quan nọ.
Giáp kỳ lân, kim quan tử sắc… vị tướng quân này chẳng phải chính là Thái tử Đại Sở?
Liên Khâm Hầu trấn thủ Bắc Đình mười mấy năm, chưa từng quay lại Biện Kinh, thực tình cũng không biết rõ diện mạo Thái tử.
Đang lúc lòng đầy hoài nghi, Lâm Diêu đã thúc ngựa tiến lên trước, lớn tiếng hành lễ: “Mạt tướng khấu kiến Thái tử điện hạ!”
Lời này không nghi ngờ gì nữa, đã khẳng định thân phận Sở Thừa Tắc. Sau một thoáng kinh ngạc, Liên Khâm Hầu chỉ cảm thấy khó trách Lâm Diêu chẳng màng những lời ông từng nói — vị Thái tử này đâu chỉ là bậc minh chủ trị quốc, mà rõ ràng là người có thể định thiên hạ bằng võ công.
Truyện được dịch đầy đủ tại maivangtet.vn
Chẳng lẽ… lời phán năm xưa của Khâm Thiên Giám đã ứng nghiệm?
Trong lòng ông trăm mối cảm xúc đan xen, cuối cùng hóa thành vài phần an ủi.
Nếu Đại Sở có được một minh quân như vậy, bách tính thiên hạ ắt sẽ bớt phần khổ nạn.
Ông tiến lên vài bước, chắp tay hành lễ: “Vi thần tham kiến Thái tử điện hạ.”
Sở Thừa Tắc lập tức xuống ngựa, đích thân đỡ ông dậy: “Hầu gia có thương tích trong người, không cần đa lễ.”
Nhưng Liên Khâm Hầu vẫn kiên quyết không đứng lên: “Bắc Đình nhiều phen gặp nạn, đều là nhờ điện hạ xuất binh cứu viện, đại ân như vậy, trên dưới Bắc Đình suốt đời ghi tạc…”
Sở Thừa Tắc ngắt lời ông: “Hầu gia nói vậy sai rồi. Bắc Đình là cổng lớn của Đại Sở, khi Sở phân liệt, chỉ có Hầu gia một mình thủ giữ cửa ải Khương Liễu, chống cự ngoại địch. Là cô và Đại Sở nợ Hầu gia một ân tình mới đúng.”
Liên Khâm Hầu tỏ lòng cảm kích chính bởi hiểu rõ rằng, mỗi lần Sở Thừa Tắc cử binh cứu viện, thì bên Giang Hoài cũng đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.
Vậy mà Sở Thừa Tắc không xem việc ông tử thủ Bắc Đình là lẽ đương nhiên của bề tôi trung quân, trái lại coi đó là ơn nghĩa mà bản thân và Đại Sở phải báo đáp.
Liên Khâm Hầu thủ quan hơn mười năm, chỉ vì một lời này của chủ quân mà suýt nữa rơi lệ: “Nếu điện hạ có thể trả lại thiên hạ một cảnh thái bình, vi thần giữ quan này, coi như không uổng.”
Sở Thừa Tắc vỗ vai ông, mọi lời cảm khái, không cần phải nói thêm nữa.
Đại quân vừa tiến vào thành, còn chưa kịp bày tiệc tiếp đón, Sở Thừa Tắc đã lập tức sai Liên Khâm Hầu bố trí người dựng sa bàn, tái hiện lại từng trận giao chiến giữa Bắc Đình và Bắc Nhung. Hắn đích thân dẫn theo các hổ tướng dưới trướng quan sát, nghiên cứu chiến pháp, binh pháp của địch.
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
…
Lần đó, một nhát chém của Đại vương tử Bắc Nhung đã khiến Lâm Chiêu từ vai trái bổ đến trước ngực, xương sườn gãy mấy chiếc, nội tạng cũng chấn thương, phải nằm liệt giường nửa tháng mới có thể xuống đất.
Kể từ khi bị thương, Lâm Chiêu chỉ khóc hai lần. Một lần là khi tỉnh lại sau trọng thương, nghe tin Vương đại nương vì bảo vệ mình mà bị Đại vương tử Bắc Nhung chém toạc cả lưng mà chết, nàng khóc nghẹn.
Lần thứ hai là khi Lâm Diêu đến cửa ải Khương Liễu, gặp lại ca ca, Lâm Chiêu nhào vào vai hắn, khóc một trận thê lương.
Nghe tin Vương Bưu theo Sở Thừa Tắc đến Khương Liễu Quan, Lâm Chiêu vốn muốn theo Lâm Diêu ra thành nghênh đón, nhưng nàng vẫn chưa lành vết thương, đến ngựa cũng không cưỡi nổi. Lâm Diêu dặn nàng ngoan ngoãn ở trong thành, nói rằng trong tiệc tiếp đón có thể gặp được Vương Bưu.
Với Lâm Chiêu, Vương Bưu cũng coi như nửa người thân. Thậm chí, có khi hắn còn cưng chiều nàng hơn cả Lâm Diêu.
Cái chết của Vương đại nương vì cứu mình khiến Lâm Chiêu thấy hổ thẹn không thôi, nhưng đau lòng nhất vẫn là Vương Bưu – người con trai của bà.
Biết tin tiệc tiếp đón bị hoãn lại, Sở Thừa Tắc đang cùng chư tướng dùng sa bàn diễn lại các trận đánh công thành của Bắc Nhung, Lâm Chiêu liền tìm đến đại doanh.
Trước trung quân đại trướng, vệ binh canh giữ nghiêm ngặt. Với thân phận võ tướng, Lâm Chiêu hoàn toàn có thể vào trướng tham chiến luận bàn, nhưng nàng đến sau, nếu muốn vào phải nhờ vệ binh bẩm báo. Mà nàng vốn chỉ đến để tìm Vương Bưu, nên chẳng buồn thông báo, khoanh tay đứng ngoài chờ cuộc nghị sự kết thúc.
Gió tuyết phương Bắc dữ dội hơn Giang Hoài và Biện Kinh nhiều lần. Tiếng gió rít gào như ma khóc quỷ kêu, thổi rát cả da mặt. Tuyết chẳng phải là tuyết nhẹ bay thơ mộng, mà như muối hột đổ ầm ầm xuống đầu người.
Chẳng mấy chốc, tay chân Lâm Chiêu đã cứng đờ, nàng xoa tay rồi đưa lên miệng hà hơi.
Đúng lúc ấy, Tằng Đạo Khê vén màn trướng ra bảo thân binh mang thêm than sưởi, thì bắt gặp cảnh tượng này.
Nếu là trước kia, có lẽ hắn chỉ liếc qua rồi bỏ đi.
Nha đầu ấy dữ dằn lắm, lần đầu gặp mặt nàng nhận nhầm hắn là Tần Giản, còn khen ngợi văn chương của hắn.
Tằng Đạo Khê nghe nàng nhận sai cả bài thơ mình làm, tưởng nàng là tiểu thư nào muốn leo lên quyền quý, với bản tính không bao giờ nể mặt ai, liền châm chọc nàng một phen.
Ai ngờ, nàng chẳng hề khóc, mà khi hắn vừa phe phẩy quạt định bỏ đi thì đã bị nàng túm cổ áo, xách thẳng ném xuống hồ sen.
Tằng Đạo Khê không biết bơi, suýt chút nữa mất mạng nơi đó.
Về sau nghe nàng giận dữ mắng mỏ, hắn cũng hiểu mình đã hiểu lầm. Đã là lỗi của mình, xin lỗi cũng là chuyện nên làm.
Tằng Đạo Khê biết rõ bản thân là kẻ mưu lợi.
Nhưng cô nàng kia hết lần này đến lần khác chẳng chịu nhận lời xin lỗi, lại còn thân thiết với Thái tử phi, khiến hắn đau đầu không ít. Thái tử phi còn chưa biết chuyện đã khuyên nhủ hắn một phen, nếu nàng mà biết hắn từng hiểu lầm rồi còn buông lời nhục mạ người ta, chỉ e ấn tượng về hắn sẽ rơi thẳng xuống đáy.
Tằng Đạo Khê chẳng muốn bao nhiêu hoài bão của mình bị uổng phí vì chuyện dở khóc dở cười như vậy, liền bỏ công tìm hiểu sở thích của cô nàng. Biết nàng đang lo liệu quân đội nữ binh, hắn bèn dâng lên vài mưu kế về tổ chức quân đội ấy để lấy lòng.
Lúc ấy hắn cũng có phần muốn xem trò vui, muốn coi xem quân đội nữ binh mà cô nàng kia dốc lòng gây dựng sẽ đi đến đâu.
Khi Lâm Chiêu được phong làm Hiệu úy, Tằng Đạo Khê vừa kinh ngạc, lại chẳng lấy làm lạ. Dù sao sau lưng nàng còn có Thái tử phi hậu thuẫn, đi đến bước này cũng chẳng khó khăn gì.
Về sau, khi đội nữ binh tiến quân về phương Bắc, Tằng Đạo Khê mới cảm thấy thật sự có hứng thú.
Thái tử và Thái tử phi đều là những người sáng suốt, đặc biệt Thái tử phi còn ra mặt ủng hộ đội nữ binh ấy. Ai biết được, giữa thời loạn thế này, liệu có thể thực sự khai sinh một đội quân nữ nhi được ghi vào sử sách?
Rồi sau đó, trận chiến khốc liệt tại Bắc Đình lan truyền về Trung Nguyên, chuyện nữ binh xông pha chiến trận, nữ tướng mạo hiểm cứu Liên Khâm Hầu lại được các gánh hát đưa lên sân khấu, trở thành đề tài thời thượng.
Chỉ riêng trận ấy thôi, đội nữ binh đã đủ để lưu danh thiên cổ.
Tằng Đạo Khê theo Lâm Diêu bắc tiến, trên đường dĩ nhiên cũng biết người cứu Liên Khâm Hầu khi trọng thương chính là Lâm Chiêu.
Khi đến Bắc Đình, lúc Lâm Diêu hỏi quân y về thương thế của Lâm Chiêu, quân y đáp: nếu có một mảnh xương sườn nào đâm vào nội tạng, e rằng nàng đã không qua khỏi. May thay, tuy gãy nhiều xương, nhưng chưa tổn thương đến chỗ hiểm.
Lúc Tằng Đạo Khê theo Lâm Diêu vào thăm Lâm Chiêu, ánh mắt dã tính của nàng khiến hắn thầm nghĩ: vẫn là con báo nhỏ ngạo nghễ như xưa.
Hắn tránh đi, để hai huynh muội có thời gian tâm sự. Nhưng chẳng may Liên Khâm Hầu ghé thăm, Tằng Đạo Khê đành quay lại gọi Lâm Diêu ra ngoài tiếp kiến. Lúc quay về, hắn bất ngờ thấy con báo nhỏ kia đang nằm trên vai ca ca, khóc đến sưng đỏ cả mắt.
Ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu Tằng Đạo Khê khi ấy là: “Nàng ấy cũng biết khóc sao?”
Sau đó, hắn bật cười – dù sao cũng chỉ là một tiểu cô nương mà thôi.
Có lẽ chính vì cảnh tượng Lâm Chiêu khóc nức nở bên Lâm Diêu để lại cho Tằng Đạo Khê ấn tượng sâu sắc, nên lúc này đây, khi thấy nàng giậm chân hà hơi trong gió tuyết, hắn không hiểu sao lại nhớ đến đôi mắt sưng húp hôm ấy.
Sau khi căn dặn thân binh mang thêm lò sưởi, Tằng Đạo Khê không vào trướng ngay, mà bước lại hỏi: “Lâm hiệu úy đang đợi Lâm tướng quân?”
Lâm Chiêu thấy là Tằng Đạo Khê, sắc mặt có chút khó coi, nhưng không tỏ vẻ đối địch nữa, chần chừ gật đầu.
Tằng Đạo Khê nói: “Bên trong e là còn lâu mới nghị xong. Trời giá rét thế này, chi bằng Lâm hiệu úy quay về đợi?”
Đợi lâu như vậy rồi, thêm chút nữa cũng chẳng khác gì.
Lâm Chiêu lắc đầu: “Đa tạ, ta chờ ca ca ở đây được rồi.”
Tằng Đạo Khê phát hiện cái bướng của nàng thật đúng là ăn sâu vào tận xương tủy. Hắn đã hỏi han như vậy cũng xem như nhân nghĩa vẹn toàn, bèn xoay người định quay lại đại trướng, thì một cơn gió lạnh lướt qua, phía sau vang lên vài tiếng ho khẽ kìm nén.
Hắn quay đầu lại, nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt không chút huyết sắc của nàng, lông mày vô thức nhíu lại: “Điện hạ đang cùng các tướng diễn lại các trận công thành của Bắc Nhung. Lâm hiệu úy là võ tướng trong quân, cũng có thể vào trướng quan chiến.”
Lâm Chiêu hơi lúng túng đáp: “Ta tới trễ.”
Đến muộn phải để vệ binh thông báo mới được vào. Là nữ binh chủ soái, nàng không muốn để lại ấn tượng rằng nữ binh là phái yếu, cần người đặc cách.
Tằng Đạo Khê bật cười: “Lâm Hiệu úy theo ta vào đi.”
Đi cùng hắn, thì không cần vệ binh thông báo.
Lâm Chiêu nhìn bóng lưng gầy gò cao gầy của Tằng Đạo Khê, do dự một chút, rồi cũng cất bước đi theo.
Cảm ơn bạn VU THI LAN HUONG donate 50K! Cảm ơn bạn LE THUY DUONG donate 50K!
Có thể một ngày nào đó bạn sẽ không thể truy cập được website Rừng Truyện vì các lý do bất khả kháng. Đừng lo, bạn vẫn có thể đọc tiếp bộ truyện mình yêu thích. Mời bạn tham gia nhóm Rừng Truyện trên Facebook!
Chúng mình đang hết sức cố gắng để duy trì hoạt động của trang web một cách ổn định. Nếu có thể xin vui lòng góp vài đồng ủng hộ bạn nhé!

cảm ơn group rừng và bản dịch giả đã làm bộ này, bộ này drop lâu rồi, mayyyy quá, xin đc donate ủng hộ.
Cảm ơn bạn đã edit, chúc bạn có nhiều sức khỏe ạ
Ủng hộ bộ này, cảm ơn dịch giả nha